Cùng với sự phát triển của xã hội và sự nâng cao ý thức chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của người dân gia tăng thì tương lai ngành Phục hồi chức năng sẽ như thế nào? Bạn đọc hãy cùng tham khảo bài viết dưới đây để có thêm nhiều thông tin về ngành Phục hồi chức năng.
Ngành Phục hồi chức năng là gì?
Phục hồi chức năng là một trong những chuyên ngành thuộc lĩnh vực Y tế. Ngành học này chuyên áp dụng và nghiên cứu những biện pháp y học, xã hội, giáo dục cùng với những kỹ thuật phục hồi nhằm cải thiện khả năng hoạt động bình thường cho người bệnh mắc tình trạng liên quan đến xương khớp, vận động do làm việc quá sức hay ngồi lâu ở một chỗ.
Mục tiêu của ngành Vật lý trị liệu Phục hồi chức năng nhằm giảm thiểu đến mức tối đa những bệnh ảnh hưởng đến khả năng vận động, cải thiện khả năng vận động nhiều nhất cho những người bệnh không may bị mất hay suy giảm khả năng vận động.
Ngành Phục hồi chức năng bao gồm nhiều những lĩnh vực như: Vật lý trị liệu (PT), Ngôn ngữ trị liệu (ST), Hoạt động trị liệu (OT) và Công nghệ dụng cụ trợ giúp (AT).
Tương lai ngành Phục hồi chức năng như thế nào?
Nhu cầu dịch vụ phục hồi chức năng đang tăng nhanh
Theo kết quả điều tra của Tổng cục thống kê về người khuyết tật được công bố ngày 1/11/2019, tại Việt Nam có hơn 6,2 triệu người khuyết tật, chiếm hơn 7% dân số. Nguyên nhân phần lớn do những di chứng sau tai nạn chấn thương, mắc các dị tật bẩm sinh ở trẻ em hoặc mắc những bệnh lý như thoái hóa cột sống, tai biến mạch máu não… Đồng thời Việt Nam đang trong giai đoạn già hóa dân số nên nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngành Phục hồi chức năng ngày càng tăng cao hơn. Điều này cho thấy vai trò của ngành Phục hồi chức năng vô cùng quan trọng trong đời sống hiện đại bởi ngành này giúp cho người bệnh nhanh chóng hồi phục sức khỏe sau điều trị, giúp lấy lại chức năng cho người khuyết tật và dễ hòa nhập với xã hội.
Nắm bắt nhu cầu đó hiện nay nhiều bệnh viện công lập và tư nhân thành lập khoa Phục hồi chức năng. Thống kê đến năm 2019 đã có 36/63 tỉnh có bệnh viện ngành Phục hồi chức năng, 100% những bệnh viện đa khoa trung ương và 98% bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh có khoa Phục hồi chức năng. Những đơn vị này sẽ có nhu cầu tuyển dụng kỹ thuật viên ngành Phục hồi chức năng thường xuyên.
Có thống kê đánh giá nhu cầu đào tạo ngành Phục hồi chức năng tại Việt Nam năm 2019 là thiếu hụt đội ngũ nguồn nhân lực ngành này khoảng 10.000 chuyên viên được đào tạo chất lượng. Điều này sẽ khiến cho người bệnh khó khăn trong vấn đề được đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngành Phục hồi chức năng, đặc biệt là khó tiếp cận những kỹ thuật chuyên sâu như hoạt động trị liệu, ngôn ngữ trị liệu nhằm đạt hiệu quả tốt nhất trong điều trị.
Cơ hội việc làm dành cho ngành Phục hồi chức năng
Sau khi tốt nghiệp ngành Phục hồi chức năng tân cử nhân có thể làm việc ở nhiều vị trí, công việc khác nhau, cụ thể như:
Vị trí làm việc
Kết thúc quá trình học tập ngành Phục hồi chức năng sinh viên có đầy đủ năng lực, kiến thức, kỹ năng làm việc ở những cơ sở Y tế, bệnh viện trong và ngoài nước.
Trên thực tế hiện nay tại các cơ sở Y tế đang thiếu hụt số lượng lớn nguồn nhân lực ngành Phục hồi chức năng bởi vậy sinh viên sau khi tốt nghiệp ngành này sẽ được nhiều nhà tuyển dụng săn đón với chế độ đãi ngộ tốt. Có thể thấy rằng cơ hội việc làm ngành Phục hồi chức năng đang được mở rộng.
Ngoài thực hiện công việc ở bệnh viện, phòng khám, trung tâm Y tế tân cử nhân ngành này còn có thể tham gia vào những tổ chức, dự án trong và ngoài nước liên quan đến lĩnh vực Phục hồi chức năng hoặc thực hiện dịch vụ Phục hồi chức năng tại nhà bệnh nhân.
Mức lương
Sau tốt nghiệp tân cử nhân đã lĩnh hội đầy đủ kiến thức, kỹ năng nên có đầy đủ cơ hội làm việc tại khoa Phục hồi chức năng tại những bệnh viện Y học cổ truyền, đa khoa, trung tâm Phục hồi chức năng hay những trung tâm chuyên biệt dành cho người khuyết tật, những tổ chức chuyên hỗ trợ người khuyết tật…
Bên cạnh công việc ổn định, mức thu nhập ngành Phục hồi chức năng được đánh giá là cao hơn so với nhiều ngành nghề khác. Tuy nhiên mức lương của ngành sẽ còn phụ thuộc vào các yếu tố như trình độ chuyên môn, năng lực, cấp bậc, nơi công tác… Cụ thể như:
- Vị trí công việc trở thành chuyên gia, trưởng khoa hoặc kỹ thuật viên.
- Địa điểm công tác: Tại các bệnh viện nhà nước, bệnh viện tư nhân, trung tâm y tế hay những phòng khám tư nhân.
- Trình độ chuyên môn như Cử nhân đại học, Thạc sĩ,…
Ngoài mức lương tại các cơ sở Y tế những chuyên viên ngành Phục hồi chức năng còn có thể làm thêm các công việc bên ngoài như chăm sóc tại nhà theo yêu cầu của bệnh nhân để gia tăng thu nhập của bản thân. Mức phí chăm sóc tại nhà cho bệnh nhân có thể dao động từ 200.000 – 300.000/ giờ. Như vậy có thể thấy rằng mức thu nhập của một Kỹ thuật viên ngành Phục hồi chức năng khá hấp dẫn và có thể đáp ứng được yêu cầu cuộc sống hàng ngày.
Vậy bạn đọc theo dõi những kiến thức ở trên đã có thể giải đáp được thắc mắc: Tương lai ngành Phục hồi chức năng sẽ như thế nào? Hy vọng sẽ giúp bạn đọc có thêm nhiều thông tin ngành Phục hồi chức năng và chủ động hơn trong việc theo đuổi đam mê ngành này.