Thực phẩm bẩn đang lan tràn khắp nơi, từ cà phê pha bằng pin, rồi gần đây nhất là mực rửa hóa chất. Liệu có những giải pháp nào để giải quyết tình trạng gây nhức nhối trong xã hội này?
Nhân rộng mô hình trồng rau, chăn nuôi sạch
Xây dựng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi, giết mổ và chế biến thực phẩm sạch là điều khá tốn kém nhưng góp phần quan trọng trong việc loại trừ thực phẩm bẩn.
Áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất, thực hiện nghiêm ngặt các quy trình quản lý chất lượng đầu ra sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ… là những bước trong nhân rộng mô hình thực phẩm an toàn.
Sự xuất hiện và ngày càng phổ biến của chuỗi các cửa hàng bán lẻ thực phẩm sạch như Co.op Food, Vinmart, Fivimart… cũng góp phần thúc đẩy người dân thay đổi thói quen mua hàng và là đầu ra ổn định của các cơ sở sản xuất.
Mô hình sản xuất và phân phối thực phẩm an toàn đang rất phát triển
Để được công nhận tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, các cơ sở sản xuất, kinh doanh cần đáp ứng các tiêu chí sau:
- Địa điểm của cơ sở cách xa khu vực bị ô nhiễm, nhiều chất thải, đảm bảo đủ nguồn nước sạch.
- Nhà xưởng cần có kho chứa đựng và bảo quản thực phẩm phù hợp, bố trí thuận lợi để quá trình sản xuất, chế biến dễ dàng, sạch sẽ.
- Hệ thống thông gió phải đảm bảo không thổi gió từ khu vực nhiễm bẩn sang khu vực sạch.
- Hệ thống chiếu sáng cung cấp đủ ánh sáng.
- Dụng cụ chứa chất thải phải kín, có đậy nắp, tránh lây nhiễm bẩn.
- Các hệ thống khách như cấp nước, cấp hơi nước, khí nén, cấp đá, xử lý chất thải phải đảm bảo đúng tiêu chuẩn an toàn và sạch sẽ.
- Phòng thay đồ bảo hộ lao động cũng phải riêng biệt.
- Nhà vệ sinh trang bị đầy đủ, thuận tiện. Cứ 25 công nhân phải có ít nhất 1 nhà vệ sinh.
Thường xuyên thanh kiểm tra, xử phạt các cơ sở vi phạm
Công tác thanh kiểm tra các cơ sở thực phẩm trên địa bàn thủ đô nói riêng và các tỉnh thành nói chung đang được đẩy mạnh. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn xuất hiện nhiều tồn đọng.
Có quá nhiều cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, trong khi đội ngũ cán bộ còn hạn chế, không đồng đều về trình độ. Vẫn còn những hiện tượng biết trước thông tin kiểm tra nên đóng cửa hay có những biện pháp qua mặt cơ quan chức năng.
Do đó, cần tiếp tục mở rộng việc kiểm tra đồng loạt, nâng cao chất lượng cho cán bộ thực hiện công tác điều tra và có những xử lý nghiêm minh, thẳng tay đối với trường hợp vi phạm.
Cần xử lý nghiêm khắc những đối tượng, cơ sở có hành vi buôn bán, sản xuất thực phẩm bẩn
Nâng cao ý thức người dân
Người dân chính là chiếc chìa khóa chính trong việc xóa nạn thực phẩm bẩn. Bởi họ là người tiêu dùng và cũng chính là người cung cấp sản phẩm.
Bên cạnh việc thanh kiểm tra, các cơ quan chức năng cần kết hợp với giới truyền thông để đưa thông tin xã hội, tuyên truyền để người dân nhận thức rõ về an toàn thực phẩm và những hệ quả xấu mà thực phẩm bẩn mang lại.
Người dân nên chủ động bảo vệ sức khỏe của mình bằng cách chỉ mua sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, được kiểm định an toàn. Không thực hiện, tiếp tay, bao che cho các hành vi làm giả, biến thực phẩm bẩn thành thực phẩm sạch nhờ hóa chất để trục lợi. Cần báo ngay cho cơ quan chức năng nếu phát hiện những trường hợp vi phạm.
Chúng ta hoàn toàn có thể bài trừ và đầy lùi tình trạng này nếu như mỗi người đều có nhận thức đúng đắn về tác hại của thực phẩm bẩn cũng như có sự siết mạnh trong quản lý của chính quyền.