Tham nhũng không còn là vấn đề xa lạ trong xã hội Việt Nam hiện nay, thậm chí mức độ nghiêm trọng ngày càng gia tăng và những giải pháp đưa ra vẫn chưa thể giải quyết triệt để. Chính vì thế, vấn nạn này cần được nhìn nhận một cách đúng đắn và đưa ra được những giải pháp giải quyết phù hợp, triệt để hơn nữa.
Tham nhũng là gì và được biểu hiện như thế nào?
Khi một vấn đề trở thành một vấn nạn thì hẳn đây là một tình trạng khá phổ biến và tham nhũng chính là như vậy. Từ các thông tin xã hội được cập nhật thường xuyên từ thực tế đã cho thấy, tham nhũng có thể xảy ra ở bất cứ đâu, bất cứ nơi nào và bất cứ một lĩnh vực nào cũng có thể thấy xuất hiện trường hợp tham nhũng, từ nhỏ đến lớn.
Tham nhũng được thể hiện rõ nét và chân thực qua hình thức “chạy” bằng tiền hoặc quyền như chạy chức, chạy quyền, chạy danh, hay thậm chí là chạy trường, chạy lớp và chạy điểm, điển hình là vụ bê bối sai phạm về điểm thi THPT Quốc gia 2018 tại Hà Giang và nhiều tình, thành khác gây chấn động thời gian vừa qua; hay vụ tham nhũng nghiêm trọng mà ông Đinh La Thăng là người trực tiếp liên quan và đang phải chịu án phạt trong tù.
Tham nhũng được biểu hiện dưới nhiều hình thức và mức độ khác nhau
Để có thể tham nhũng hay nói cách khác là “chạy” một cách dễ dàng cần phải thiết lập được các mối quan hệ có liên kết chặt chẽ về lợi ích có thể là bất minh, bất chính, bất nhân, bất nghĩa, thậm chí là gây tội ác, phi nhân tính.
Mặc dù được biểu hiện qua nhiều hình thức và mức độ khác nhau nhưng tham nhũng được hiểu chung là một hành vi cướp đoạt, sự lợi dụng quyền và tiền để làm giàu và mưu lợi bất chính.
Tham nhũng nguyên nhân do đâu và hậu quả nghiêm trọng như thế nào?
Từ thực tế lịch sử, từ các thông tin xã hội được cập nhật thường xuyên có thể thấy có khá nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng tham nhũng ở Việt Nam.
Trước hết phải nói đến hệ thống tổ chức bộ máy cồng kềnh, tầng lớp và quan liêu khá nặng nề. Bên cạnh đó chính là hệ thống pháp luật và thi hành pháp luật thiếu đồng bộ, chính sách lạc hậu nhất là chính sách tiền lương; chậm trễ trong khâu kiểm soát quyền lực từ nhận thức đến hành động; đội ngũ công chức nhà nước vẫn còn thiếu tính chuyên nghiệp, hoạt động điều hành, quản lý còn lạc hậu và mang tính hình thức cao; trình độ học vấn và hiểu biết về luật pháp còn yếu kém; bất công xã hội, phân biệt giàu nghèo có xu hướng ngày càng gia tăng; sự suy đồi về đạo đức và tình trạng tham chức, tham quyền ngày càng phổ biến; và đặc biệt là một bộ phận cán bộ, lãnh đạo từ cấp thấp đến cấp cao còn thiếu tính gương mẫu.
Nhiều nguyên nhân tham nhũng dẫn đến hậu quả tương đối nặng nề
Như vậy có thể thấy với hàng loạt những nguyên nhân dẫn đến tình trạng tham nhũng cho ta thấy ngay được hậu quả mà nó mang lại là vô cùng nặng nề. Xã hội ngày càng trở nên bất ổn; đạo đức ngày một suy đồi; kinh tế chậm phát triển, lạm phát có khả năng gia tăng và dấu hiệu khủng hoảng ngày càng rõ nét; quan trọng hơn đó chính là làm suy yếu Đảng và Nhà nước, đe dọa tới sự tồn vong của chế độ bởi niềm tin của nhân dân vào Đảng và Nhà nước đang dần suy giảm.
Phòng, chống tham nhũng cần được ưu tiên hàng đầu
Việc làm cần thiết trước nhất chính là đẩy mạnh giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm trong toàn Đảng, toàn dân, từ trong bộ máy nhà nước đến các đoàn thể, cả nước cùng đoàn kết, nhất trí, đồng lòng chống nạn tham nhũng. Đẩy mạnh cuộc vận động, thi đua học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Bên cạnh đó, pháp luật cũng là một vấn đề quan trọng, nhất là pháp luật về chống tham nhũng trong xã hội cần được đề cao và trừng trị nghiêm minh, quyền cang cao, chức càng cao thì phải xử phạt càng nặng để nêu gương và không có bất cư một sự thiên vị hay ngoại lệ nào cả.
Kiểm soát hành vi ngay từ những cán bộ cấp cao để kịp thời phát hiện, nghiệm trị và cảnh cáo, đồng thời giáo dục ý thức tự kiểm soát và tự điều chỉnh hành vi của mỗi người.
Bên cạnh đó còn rất nhiều biện pháp phòng, chống tham nhũng cần được thực hiện nhanh chóng và giải quyết vấn đề từ gốc đến ngọn sao cho phù hợp và đem lại hiệu quả triệt để như mong muốn. Từ đó mới có thể gây dựng lại niềm tin vững chắc trong nhân dân, góp phần bảo vệ chế độ, bảo vệ Đảng và Nhà nước.