Bạo hành trẻ em là một hiện tượng tuy không còn mới nhưng chưa bao giờ cũ trong xã hội Việt Nam hiện nay. Số vụ bạo hành trẻ em ngày càng nhiều gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng, tâm lý của trẻ.
Bạo hành trẻ em len lỏi khắp chốn
Theo thông tin xã hội, Việt Nam là một trong những Quốc gia đầu tiên ở Châu Á và là nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước của Liên Hiệp quốc về Quyền Trẻ em năm 1990. Hệ thống pháp luật và chính sách phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em ở nước ta đã được ban hành khá đầy đủ. Tuy nhiên, theo Trung tâm Truyền thông giáo dục (Bộ GD&ĐT), tại Lễ phát động hưởng ứng sáng kiến toàn cầu “Chấm dứt bạo lực thân thể trẻ em trong gia đình và trường học” do Bộ GD&ĐT vừa tổ chức tại Đà Nẵng, những con số thống kê trẻ em bị bạo lực, xâm hại được công bố rất đáng báo động.
Nếu như năm 2014, cả dư luận xã hội đều “sốc” khi truyền thông, báo chí đưa tin một bảo mẫu nọ đánh đập trẻ quá tàn bào bằng cách nhúng đầu trẻ vào thùng nước lớn, nhét mạnh thìa vào miệng khi đút cơm cho trẻ…thì năm 2016 khán giả lại được phen hết hồn khi nghe tin người giúp việc nọ vỗ mạnh vào bé mới sinh chưa đầy 1 tháng tuổi và dồi lên dồi xuống đứa bé.
Với người đã từng làm mẹ, có lẽ khi xem được những video, clip, hình ảnh này thì tâm trạng của họ không còn là thương nữa mà là đau. Họ đau nỗi đau của người mẹ khi nhìn thấy đứa con vừa lọt lòng mẹ bị đánh không thương tiếc. Họ đau nỗi đau của một người làm mẹ rứt ruột đẻ ra, chăm sóc nuôi nấng từng ngày để rồi,…lơ là một chút là bị bảo mẫu hành hạ. Từ người giúp việc, bảo mẫu cho đến những cô giáo mầm non – những người được giáo dục, có trình độ văn hóa cao nhưng vô văn hóa. Chí ít ở trường cao đẳng, đại học nào cũng sẽ đào tạo những điều chí cốt về nhân, lễ, nghĩa, trí, tín. Rõ ràng, nhân(nhân đức, nhân đạo) luôn là ưu tiên hàng đầu. Vậy mà họ sẵn sàng “thượng cẳng tay, hạ cẳng chân” với những đứa trẻ vô tội, cần được giáo dục.
Bạo hành trẻ em hết sức thương tâm
Đáng chú ý, khán giả không thể tin nổi vào mắt mình, người bạo hành trẻ là cô giáo xinh đẹp kia. Càng không thể tin nổi một người suốt ngày đăng những status “dạy đời” lại có thể ra tay tàn nhẫn như vậy. Dẫu cố để thấu hiểu về những người đã ra tay với trẻ nhưng càng thấu hiểu bao nhiêu thì càng căm phẫn bấy nhiêu. Ngoài ra, việc bắt trẻ em sống ở những môi trường độc hại, nguy hiểm, bắt trẻ làm những việc quá sức, lăng nhục, đe dọa trẻ cũng là những hình thức bạo hành trẻ len lỏi trong đời sống của người Việt, thế giới.
Bạo hành trẻ em gây ra những hệ lụy khôn lường
Bạo hành trẻ em – những hệ lụy khôn lường
Ảnh hưởng nghiêm trọng nhất mà ai cũng có thể nhìn thấy, sờ thấy là ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng, thẩm mỹ của nạn nhân. Một khuôn mặt đang lành lặn bỗng dưng sưng húp, tím hết mặt hết mắt chỉ sau một vài hôm đến lớp. Một khuôn mặt đang nhẵn thin thít bỗng dưng để lại những vết sẹo dài. Một khối óc sáng tạo với vạn trí tưởng tượng của trẻ thơ đã bị chấn thương,…
Đằng sau nỗi đau về thể xác là nỗi đau về tinh thần. Tuy còn bé, trẻ chưa nhận thức được nhiều điều trong cuộc sống nhưng chúng sẽ sống trong cảnh sợ hãi, đề phòng. Nếu lâu dần trẻ không mở lòng ra với thế giới bên ngoài để đón nhận niềm vui, đón nhận những con người mới thì rất có thể dẫn đến bệnh tự kỷ. Một tâm hồn trẻ thơ còn ngây dại bỗng nhường chỗ cho những nỗi lo. Chúng đã phải lo nỗi lo mà lẽ ra chúng chưa phải nghĩ tới. Rồi mai đây, những chủ nhân tương lai của này sẽ đi về đâu khi nhớ về một tuổi thơ với những kí ức không có gì đẹp đẽ, không có gì tự hào.
Để tránh tình trạng bạo hành trẻ em, những bậc làm cha làm mẹ cần quan tâm, sát sao con cái trong mọi hoạt động để kịp thời và có biện pháp xử lý khi phát hiện những dấu hiệu bất thường ở trẻ. Hy vọng những thông tin sẽ giúp các mẹ hình dung rõ hơn về hệ lụy khôn lường của nan bạo hành trẻ, từ đó cùng chung tay bảo vệ trẻ em, đặc biệt quyền được bảo vệ, quyền được đảm bảo an toàn của trẻ.